795. ĐINH CƯỜNG Những ngày nắng đổ lửa nhớ Định Giang



ĐINH CƯỜNG 
Những ngày nắng đổ lửa nhớ Định Giang


Trưa nắng phi trường như bốc lửa
( Định Giang )
  
Nghe lại CD Trên cánh chim người qui cố hương
thơ Định Giang, nhạc Hồ Đăng Lễ
sao mà nhớ những chiều ở Huế
những chiều trong căn nhà cổ thời Tây
trên đường Lê Lợi, dành cho trưởng khu công chánh
nơi gia đình anh chị Lễ ở, chúng tôi thường gặp nhau:
anh Ưng Lang, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Phạm Nhuận
và Định Giang ( khi tàu hải quân cặp bến cảng Thuận An
Giang được nghỉ  phép về nhà ở Vỹ Dạ )


chiều ngồi uống rượu, khi đã đã
Định Giang hay đọc trên cánh chim người qui cố hương
bài thơ như một nỗi đau sau hiệp định Paris 1973 :
sau ngày ngưng bắn, chút khôi hài gởi kẻ chứng nhân
sau đó in thành tập thơ mỏng, tôi vẽ bìa, những cánh chim đen
trên nền trời màu tím nhạt
nay tập thơ thất lạc, không biết anh Lễ có còn giữ
anh chỉ gởi cho CD, trưa nay bỏ vào computer nghe
tiếng ca vút cao, vút cao lao xao như sóng biển :
trưa nắng ngươi về ngươi về đất
trên cánh chim buồn qui cố hương

sao mà buồn mà nhớ  Định Giang, chàng thi sĩ  hiền khô Vỹ Dạ
đi binh chủng hải quân hằng bao nhiêu năm, có lần lặn ra Bắc
sóng bạc đầu trùm lấy hồn anh, với những tảng mây trắng
vướng trên đầu anh…
kết thành vòng hoa tang chôn chuyện yêu đương
của Phương Anh ngày xưa vào quá khứ
anh trở về quên ngôn ngữ tình ca,
anh trở về ôi Chợ-lớn mưa sa mù sương chắn nẻo[1]

nhớ người con gái tóc cắt ngắn P. Pascale anh hay thầm gọi
những chiều với bộ đồ thuỷ thủ trắng muốt
anh trở về căn gác gỗ thuê, những bậc cầu thang lộ thiên
ở gần góc đường  Yên Đổ - Công Lý, Sài Gòn
nơi  những lần Duy Năng  ghé ở,  Kim Tuấn và tôi hay đến
cùng Định Giang lang thang xuống phố
có lần ghé Câu lạc bộ văn hoá trên đường Tự Do của Phạm Xuân Thái
dự buổi tọa đàm, nhưng cốt để gặp anh em bạn bè văn nghệ …

nay Định Giang - Kim Tuấn không còn
chỉ còn tác phẩm là mấy tập thơ
kỷ niệm nhất có lẽ với  Ngàn Thương in chung thời xa lắc


những ngày nắng lửa không đi ra ngoài
đọc lại những bài thơ cũ nhìn lại những tấm ảnh cũ
nhớ nhà may Phạm Uông nổi tiếng xóm Hàng Me, đi về phía Đập Đá, Huế
ông chú ruột bạn hay ghé thăm
nhớ chị Kim Lan, người vợ hiền của bạn luôn chăm lo các con
nhớ mãi những con gà độn sả nướng than thơm
chúng ta ngồi dưới những cây đào cây nhãn
chiều có gió mát ở bờ sông lên, ở bờ sông có mệ bán chả lọn Huế ngon tuyệt
ôi chiều êm đềm Vỹ Dạ cùng bạn bè ở Sàigòn ra
có Văn Đen, Hiếu Đệ, có Lê Thành Nhơn…nhớ không Phạm Nhuận
nay những người nghệ sĩ tài hoa ấy đã đều khuất núi
( núi cao chi lắm núi ơi – núi che mặt trời không thấy người thương )

ôi chiều năm nào tôi từ nơi xa xôi về ghé xuống thắp cây hương
bàn thờ bạn ngay phòng giữa căn nhà trên
còn treo cái phác thảo chân dung tôi vẽ, chân dung Định Giang một thời lục bát [2]
mau về thương với người ta
một hành lang cũ buồn da diết buồn …

và một thời khiêng những chiếc áo quan
tiễn người bạn không quen chết trận
trong đáy chén hãy còn ít rượu
uống đi Định Giang rồi đêm trên đường về
cũng chiếc honda, ngược chiều từ phía Vỹ Dạ lên
gây thành tai nạn lớn
sau đó bạn tôi ra đi, ôi trưa nay như có ai nhắc nhớ
nghe lại bài  thơ soạn thành ca khúc cảm động
trên cánh chim người qui cố hương
cám ơn tấm lòng anh Hồ Đăng Lễ với bè bạn [3]

trên cánh chim những ngày nắng đổ lửa cây cối đứng im
tôi như thấy người bạn thuỷ thủ trở về mang theo đóa san hô trắng bạch.


Virginia, July 20, 2013
Đinh Cường

[1] điệp khúc của những người thuỷ thủ trên giòng Phương Giang
( Định Giang- Tình yêu và bão biển, trong tập Ngàn Thương, thơ in chung cùng Kim Tuấn, 1961 )

[2] bước chân của người thuỷ thủ qua điệu buồn lục bát


Bài Sàigòn

Xin đây làm cuộc chia ly
Em còn tay vẫy làm chi mỏi mòn
Anh về bỏ lại Sàigòn
Em thôi nặng nợ chồng con mất rồi
Với lời giã biệt buông trôi
Chút thân bé bỏng xin thôi đợi chờ


Bài Phan Thiết

Rồi cơn bão biển lớn dần
Sóng vươn tháp nước nhớ thầm bờ môi
Cho anh giếng ngọt rồi thôi
Vòng tay khép lại luân hồi hay sao
Van em bỏ lại máu đào
Kẻo thuyền anh gió lao đao kiếp người


Bài Nha Trang

Cát vàng này dấu chân anh
Với mùa biển động không đành bỏ em
Qua đây hồn nhớ lên thềm
Lửa môi sưởi lạnh không êm sóng chiều
Em về còn lại bao nhiêu
Mà ôm dĩ vãng ra điều thuỷ chung


Bài Tuy Hòa

Tóc sương rêu phủ bờ vai
Em còn đứng đợi dáng ai biển buồn
Khỏa thân bức tượng này phương
Ngàn năm còn đợi khách thương hồ về
Mai này em để lại chi?
Tay anh trống rỗng còn gì của em


Bài Qui Nhơn

Vòng tay thị nại gió cao
Nỗi hờn vong quốc buồn sau chiêm thành
Nửa khuya da thịt mỏng manh
Với xiêm y lệch tóc xanh não nề
Mai về làm lại Mỵ Ê
Để mang tiếng khóc gửi về Bồng Nga


Bài Đà Nẵng

Rồi như tượng đá sao đang
Mặt còn thiếu máu thời gian lạnh lùng
Thôi em bỏ lại vô cùng
Với ngôi thần thánh kẻo chùng lứa đôi
Nếu mai phúc đã đến rồi
Xin làm trẻ dại bồi hồi con tim


Bài Huế

Như hoàng thành cũ rêu phong
Tóc buồn cổ thụ ai hong gió chiều
Anh về còn lại bao nhiêu
Bụi đường rũ sạch xin yêu một lần
Em đành nón ngã vào thân
Mai xa thành phố phân vân suốt đời

( Tình yêu và bão biển )

[3] Hồ Đăng Lễ, kỹ sư công chánh, hiện ở tại San Jose - California - người có công thực hiện chiếc cầu mới song song với cầu Tràng Tiền - Huế và là người giúp rất nhiều cho việc thực hiện bức tượng vĩ đại cụ Phan Bội Châu
do nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Thành Nhơn làm …

    Định Giang, tên thật Phạm Đích, sinh năm 1934 tại Huế, Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa,  mất vào năm 2000 tại Huế . Anh ruột nhà thơ Phạm Nhuận, hiện ở Maryland.

      Tác phẩm đã xuất bản :

     - Hoa Mười Phương (thơ, in chung nhiều tác giả, 1959)
     - Ngàn Thương ( thơ, in chung Kim Tuấn, 1961, phần thơ Định Giang
       có tên Tình Yêu Và Bão Biển )
     - Trên Cánh Chim Người Qui Cố Hương ( thơ , nhà xb Đồng Nội - Huế 1973 )



-Định Giang, thời Tình Yêu Và Bão Biển, 1961


-Định Giang, phác thảo Đinh Cường, Huế 1999


-Thủ bút Định Giang


-Từ trái: Võ Quê – Đinh Cường – Định Giang và bạn bè ở Huế 1999



-Bên bàn thờ Định Giang, Vỹ Dạ - Huế  2001




Thơ: Định Giang
Phổ nhạc: Hồ Đăng Lễ
Hòa âm: Hồ Đăng Tín
Phối khí: Bảo Phúc
Thực hiện: Ban Hợp Xướng Trùng Dương